Vấn đề của start-up Việt: Thiếu kiến thức, lười và quá "ảo tưởng"

Vấn đề của start-up Việt: Thiếu kiến thức, lười và quá "ảo tưởng"

KHỞI NGHIỆP 10:27, 14/05/2015

Hôm 12/5, đã có hơn 1.000 người trẻ tới tham dự sự kiện Under 30 Summit (Diễn đàn Thế Hệ Trẻ) do Forbes Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.


Với chủ đề “Thế hệ Tiếp nối”, diễn đàn tập trung vào thế hệ trẻ, những người sinh ra từ những năm 1970 trở đi. Rất nhiều diễn giả nổi tiếng đã góp mặt tại sự kiện phát biểu, thảo luận cùng nhau về các vấn đề mà thế hệ trẻ đang quan tâm, những cơ hội và thách thức, ước mơ và mục tiêu cùng tầm nhìn lãnh đạo của họ.
Nhận xét về thế hệ trẻ Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh - cựu đại sứ Việt Nam tại châu Âu cho rằng: "Thanh niên Việt Nam phải biết tự trọng và phải có bản lĩnh. Cả triệu thanh niên thiếu tự trọng sẽ tạo nên một xã hội tương lai thiếu tự trọng. Tôi không muốn thế giới nhìn Việt Nam như vậy".
Tại diễn đàn, một chủ đề "nóng" đang được rất nhiều người trẻ quan tâm đó là khởi nghiệp. Ông Trương Gia Bình, sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng các bạn trẻ khởi nghiệp thời nay sở hữu nhiều điều kiện tốt hơn ngày xưa rất nhiều. "Hồi xưa, làm tôn thì trở thành sếp tôn, làm máy tính thì trở thành sếp máy tính thôi. Còn ngày nay, tôi nghĩ chúng ta không thể tránh khỏi xu hướng của thế giới đó là Digital".
"Ngày nay, sự sung túc về vật chất đôi khi lại khiến hệ thống giá trị trở nên nghèo nàn. Nhiều khi các bạn chỉ xoay quanh giá trị tiền mà thôi. Tôi tin một dân tộc đã trải qua ngàn năm áp lực bóc lột và vươn lên thì tự khắc sẽ biết mình phải làm gì để tiến bộ", ông Trương Gia Bình nói.
Các diễn giả và khách mời trên sân khấu diễn đàn Thế hệ Trẻ (Ảnh: Forbes Việt Nam)
Cùng nói về khởi nghiệp, anh Đỗ Hoài Nam - CEO của SeeSpace đã nêu lên 3 vấn đề của Startup tại Việt Nam:
- Thứ nhất là các bạn thiếu kiến thức về một doanh nghiệp startup, nên nhà đầu tư khi nói chuyện với các bạn không biết bắt đầu từ đâu.
- Thứ hai, cường độ làm việc của các bạn chưa cao, nhiều bạn tôi thấy vẫn hơi lười.
- Thứ ba, nhiều khi bạn quá "ảo tưởng". Ví dụ các bạn có thể ngồi trên sân khấu này chém ý tưởng lớn cỡ nào đi nữa thì dưới kia sẽ luôn có hơn 200 ý tưởng tốt hơn của bạn. Quan trọng là bạn thực hiện nó như thế nào.
Trong số các diễn giả khách mời còn có Michelle Phan, doanh nhân người Mỹ gốc Việt. Cô đã chia sẻ về con đường từ một người nổi tiếng thế giới mạng trở thành một nhà kinh doanh và thương hiệu mỹ phẩm quốc tế.
Để có được thành công như hôm nay, ngay từ những bước đi ban đầu đã không hề dễ dàng đối với Michelle Phan. Trước khi trở thành một biểu tượng làm đẹp, một doanh nhân thành đạt, Michelle từng có một hành trình dài 7 năm cặm cụi làm từng clip trong studio cũng chính là phòng ngủ của mình. Cùng lúc đó, cô sinh viên Michelle Phan vừa học vừa phải chạy bàn kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Michelle chia sẻ: "Giống như các bậc phụ huynh châu Á, mẹ tôi muốn tôi trở thành một bác sĩ. Nhưng bà luôn ủng hộ sở thích của tôi. Tôi nhìn thấy 2 con đường khác nhau: Một là đi theo con đường đã được mẹ tôi vạch sẵn. Tôi sẽ trở thành một bác sĩ và có một cuộc sống ổn định. Hai là đi theo con đường nghệ thuật, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn nó sẽ rất thú vị.
Tôi là một người yêu thích mạo hiểm, vì vậy tôi đã nghe theo tiếng gọi của trái tim. Và tôi đã phải thuyết phục mẹ tôi, đó là điều vô cùng khó khăn. Bà đã khóc rất nhiều..."
Michelle Phan cũng là gương mặt được chọn vào danh sách 30 under 30, lĩnh vực Nghệ thuật và Phong cách của Forbes (Mỹ) năm 2015.
Tháng 2.2015, Forbes Vietnam đã công bố danh sách “30 Under 30” đầu tiên, giới thiệu những người trẻ nổi bật dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Danh sách 30 Under 30, cũng như sự kiện Under 30 Summit (Diễn đàn Thế hệ trẻ) là một phần trong nỗ lực của Forbes Vietnam trong việc cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và lãnh đạo trong giới trẻ Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.